TIP ĐẠT ĐIỂM TỐI ĐA MÔN VĂN FULL SKILL

1.BÀI ĐỌC HIỂU

Có thể coi đọc hiểu là phần LẤY ĐIỂM hoặc có khi là MẤT ĐIỂM của nhiều bạn. Theo mình, đọc hiểu không hề khó, không mất nhiều thời gian ôn tập, dễ dàng đạt điểm tuyệt đối nhất. Các tiêu chí với bài đọc hiểu:

– Đọc thật cẩn thận đề, gạch trước các key word.

– Đề hỏi gì trả lời đó, không nên vòng vo, dài dòng.

– Nắm được các câu hỏi đề hay hỏi và cách trả lời: đặc biệt là phần tác dụng biện pháp tu từ.

– Thời gian làm phần này: khoảng 15 phút.

– Các lỗi các bạn hay gặp ở phần Đọc hiểu:

+Trả lời dài dòng, lan man hoặc trả lời cộc lốc, không có đầu đuôi.

+ Sót câu trả lời. Ví dụ tìm thiếu biện pháp tu từ.

Ở phần này năm ngoái mình nghĩ mình làm được tối đa 3/3đ. Thực sự Đọc hiểu không khó đâu.

2. BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:

– Bài này thường sẽ liên quan bài Đọc hiểu và chiếm 2 điểm trong bài làm:

+ Các bạn trước khi làm nên gạch chân trước key word, viết thật nhanh ý chính ra nháp, hoặc câu nói, dẫn chứng, tránh bỏ quên, bỏ sót đáng tiếc.

+ Với NLXH, đòi hỏi các bạn phân tích, chứng minh chặt chẽ, hợp lí. Vì dung lượng bài có hạn, đòi hỏi bạn phải biết chắt lọc ý, tránh lan man khi viết.

+ Muốn đạt điểm 1,75+ thì không nên viết các câu lối mòn.Thay vì viết “KHÓ KHĂN GIÚP CON NGƯỜI BIẾT KIÊN TRÌ, NỖ LỰC HƠN ĐỂ THÀNH CÔNG, nên viết là: KHÓ KHĂN GIỐNG NHƯ MỘT MÓN QUÀ MÀ CHỈ CÓ NGƯỜI KIÊN TRÌ, NỖ LỰC MỚI CÓ THỂ MỞ ĐƯỢC ĐỂ VƯƠN TỚI CHIẾC VÒNG NGUYỆT QUẾ VINH QUANG SÁNG LẤP LÁNH”.

+ Lấy dẫn chứng “CÀNG GẦN GŨI ĐỜI SỐNG, SỰ HIỂU BIẾT CÀNG NHIỀU”. Những vấn đề nóng, nổi bật của hiện tại đưa vào bài văn sẽ khiến người chấm nhìn nhận bạn có hiểu biết, quan tâm các vấn đề cuộc sống.

+ Đừng quên trích các câu nói nổi tiếng vào. Hãy học thuộc, ghi nhớ chúng để áp dụng vào làm NLXH

+ Bài viết nên có phần mở rộng, nâng cao vấn đề. Ví dụ đề về tình yêu thương: Tình yêu thương không chỉ là việc ta cho đi, mang đến ngọn lửa ấm nóng sưởi ấp bao trái tim lạnh cóng mà hơn hết, chúng ta phải biết yêu thương chính mình, khi ấy tình yêu thương sẽ đẹp hơn, là khúc hoan ca rộn rã trái tim của cả người cho và nhận.

+ Người chấm rất đề cao sự sáng tạo cũng như cách nhìn nhận mới mẻ của thí sinh. Hãy thể hiện quan điểm riêng của mình và chứng minh nó hợp lí. Có thể bạn chứng minh chưa tốt phần trên, nhưng có được điều kia người chấm sẽ có cái nhìn tốt về bài bạn, cách tư duy khi làm bài và điểm từ đó sẽ tốt hơn.

– 1 số LỖI khiến các bạn MẤT ĐIỂM:

+ Phân tích, chứng minh dài dòng, không trọng tâm, lập luận không chặt chẽ.

+ Viết quá dài => mất thời gian, có khi không đạt điểm cao. Theo mình không nên viết quá 1 mặt giấy. Bạn hãy hiểu tâm lí người chấm với hàng nghìn bài.

+ Bài viết đều đều, không có điểm nhấn. Điểm nhấn ở đây đến từ câu từ, cách diễn đạt, ý sáng tạo,…

– Thời gian viết khoảng 20-25 phút.

Phần này mình nghĩ mình đạt được 1,75/2.

3. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Đây là phần nhiều bạn hoang mang style nhất. Có khi học rồi mà vẫn lo, cảm thấy không có chữ gì trong đầu. Mình sẽ gạch các nội dung chính trong phần này:

– Không được học tủ: đừng chơi với Bộ GD, cẩn thận Bộ lại chơi bạn không trượt phát nào! Thời gian này hãy hệ thống lại toàn bộ các tác phẩm bằng sơ đồ tư duy, các dạng hay hỏi ở mỗi bài, bài này sẽ so sánh được với bài nào,…

– Trước khi làm, mình đã gạch các ý chính ra nháp, đồng thời ghi nhanh 1 vài câu nói, liên hệ của các tác giả,…

– Bài văn có bố cục hoàn chỉnh, luận điểm rõ ràng, phân tích chặt chẽ. Mình khi thi phân tích rất kĩ, và thường phân tích kĩ hơn nữa ở những phần quan trọng: nội dung gì được thể hiện qua mặt từ ngữ=> tác dụng của nó=> cho thấy được gì ở thời điểm tác giả nhắc tới về con người, xã hội => phong cách tác giả bộc lộ như thế nào? Nhớ liên hệ thêm các tác phẩm trước đó, cùng thời hoặc sau này để thấy sự khác biệt, học hỏi, sáng tạo,… của các nhà văn, nhà thơ.

– Hãy đặt hết tâm tư và thấu hiểu hoàn cảnh nhân vật, kiểu sống trong nhân vật vậy, khi ấy chúng ta sẽ viết văn giàu cảm xúc và dễ đến trái tim người đọc hơn.

– Ở mỗi đoạn văn, nên có CÂU CHUYỂN ĐOẠN để liên kết với phần trước đó, tạo sự logic chặt chẽ khi làm bài. Câu chuyển có thể viết theo hình thức dùng cặp quan hệ từ “Tuy…. nhưng ”,” Không chỉ… mà còn”, “Nếu… thì”, dùng các câu nói, nhận định văn học,…

– Những bạn có tốc độ viết tốt, muốn đạt điểm 9+ thì có thể đưa thêm 1 số ý lí luận văn học, các trích dẫn văn học, câu nói vào bài,…

-Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận( sau khi phân tích xong hết, viết trước kết bài) : với những bạn thi HSG thì phần này không thể thiếu. Khi thi THPTQG nếu còn thời gian các bạn có thể đưa thêm vào phần này:

+ Người sáng tác: cần trải lòng, thấm đượm tâm hồn vào con người, cảnh vật, hiện thực cuộc sống. Hiện thực cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm cây bút vàng của người nghệ sĩ.

+ Người tiếp nhận (độc giả): trân trọng tác phẩm, sống trong nhân vật để hiểu thêm về cuộc đời, con người; giữ gìn phát huy để giá trị tác phẩm luôn vững bền mặc bước đi luân chuyển của thời gian.

– Đây là phần mình tiếc nhất khi đi thi, điểm khoảng 4,5/5. Lí do đến từ việc mình bị cháy giờ, viết quá dài phần trên=> gây mất thời gian, không có thời gian viết phần cuối. Liên hệ lớp 11 và kết bài mình viết 5 phút cuối cùng trong 1 mặt giấy. Mong rằng các bạn sẽ không gặp lỗi như mình. Lúc đó cũng tham, kiểu cho thêm thời gian vẫn viết tiếp được.

– Đi thi giữ tinh thần ổn định, nhất là với môn Văn. Thoáng cái lại 1 bạn : “CHO EM XIN TỜ GIẤY Ạ” Hãy kệ họ và tiếp tục làm bài các bạn nhé. Đừng để phân tâm bởi những gì xung quanh.

Trên đây là các cách mình đã áp dụng cho bài thi năm ngoái. Mong sẽ hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn thi thật tốt và tự tin thật nhiều. À lần chuyên đề cuối cùng trước khi thi mình được 7,5 tức tăng 1,75 so với thi thật. Vì thế các bạn hãy cố gắng hết mình và tạo nên chiến tích nhé.

CUỐI CÙNG CHÚC CÁC BẠN HỌC TỐT

Hotline: 19008923

www.houston123.edu.vn

#H123 #onthidiemcao


Posted

in

, ,

by

Tags: