BÍ KÍP MÔN TOÁN

1. ‘Nhặt’ kiến thức trọng tâm đối với mỗi chuyên đề

Các bạn học sinh sẽ cần “nhặt” ra những kiến thức trọng tâm trước khi xây dựng lộ trình ôn tập cho bản thân. Việc làm này sẽ giúp các em khoanh vùng được kiến thức thật sự quan trọng theo từng chuyên đề, tối ưu thời gian ôn luyện để việc trau dồi kiến thức đạt hiệu quả.

1.1. Với Đại số

Phần Đại số thường sẽ chiếm 70% khối lượng kiến thức trong đề thi, đặc biệt bao gồm câu 0,5 điểm (dạng bài toán nâng cao) để lấy điểm 10. Như vậy, nếu làm đúng toàn bộ các bài tự luận phần Đại số trong đề, các bạn học sinh sẽ đã được 7 điểm.

Kiến thức phần Đại số trong đề thi môn Toán  sẽ phân bổ theo những chuyên về  Hệ phương trình, Phương trình bậc hai, Giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình, Căn bậc hai, Hàm số và đồ thị, Bất đẳng thức – Bất phương trình – Cực trị đại số.

Khi ôn tập Đại số, các bạn học sinh nên hệ thống hoá kiến thức trọng tâm thành một đề cương ôn tập bao gồm tất cả công thức, lý thuyết và hình vẽ đồ thị hàm số cơ bản. Phương pháp này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về khối lượng kiến thức cần ghi nhớ từ đó đưa ra kế hoạch ôn tập hiệu quả. Đồng thời, các em cần chăm chỉ làm các bài tập từ cơ bản tới các bài nâng cao và tập giải đề thi.

1.2. Với chuyên đề Hình học

Phần vận dụng sẽ chiếm 30% tỷ trọng bài thi trắc nghiệm, thông thường có khoảng 3 – 4 câu hỏi và đạt được 3 – 3,5 điểm. Trong đó, phần nhận biết – thông hiểu là 1 điểm, phần vận dụng là 2 điểm và phần nâng cao chiếm 0,5 điểm. Một số tỉnh, thành phố sẽ thay câu hỏi trắc nghiệm với câu hỏi kiến thức toán học. Những kiến thức cơ bản phần Hình học hay xuất hiện trong đề thi môn Toán xoay quanh chủ đề Tam giác đồng dạng, Tứ giác nội tiếp, mặt phẳng đường tròn, Liên hệ với các cạnh trong đường tròn và Hình học không gian. Các bạn học sinh nên đặc biệt chú ý ôn luyện những dạng bài toán trên.

Phần Hình học dành cho các bạn học sinh là thuộc lòng các định lý, phương pháp chứng minh, luyện tập giải nhiều dạng bài thuộc các chuyên đề khác nhau để rèn luyện tư duy phân tích, nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức.

Để “nhặt” kiến thức môn Toán một cách hệ thống nhất, các bạn học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy không chỉ giúp các em nắm được sự liên hệ giữa các kiến thức mà còn kích thích khả năng ghi nhớ thông qua những hình ảnh trực quan.

2. Xây dựng lộ trình ôn tập theo mục tiêu

Trước khi bước vào ôn tập, các em nên đánh giá năng lực của bản thân để tìm ra lỗ hổng kiến thức và đặt ra mục tiêu về điểm số. Việc xác định một mức điểm bản thân muốn đạt được là cần thiết vì đó là động lực để các em phấn đấu ôn tập mỗi ngày,  tạo ra một phạm vi ôn tập cụ thể cho các em.

Nếu đặt mục tiêu điểm trung bình (từ 8 điểm trở xuống), học sinh nên tập trung ôn luyện phần kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và làm đề ở mức dễ – trung bình hằng ngày.

Nếu đặt mục tiêu điểm 9, điểm 10, các em cần chắc kiến thức cơ bản trước rồi tiến tới luyện tập các câu hỏi phần vận dụng, nâng cao trong đề. Kiến thức lấy điểm 10 thường nằm ở các chuyên đề về bất đẳng thức, phương trình vô tỉ, hình học. Để làm được phần này, học sinh cần cọ xát nhiều đề thi thử, dạng bài nâng cao đồng thời hình thành thói quen làm bài chỉn chu, phân bổ thời gian làm đề hợp lý.

3. Luyện đề thường xuyên, ưu tiên đề thi các năm trước

Song song với việc học thuộc lý thuyết, các bạn học sinh nên thực hành, luyện tập thường xuyên. Khi chăm chỉ giải đề mỗi ngày, các em sẽ ghi nhớ được lượng lớn kiến thức Toán học, đồng thời hoàn thiện và nâng cao kỹ năng làm bài.

Tổng hợp các đề thi môn Toán của các năm trước, có thể thấy các dạng bài thường xuất hiện thuộc chủ đề căn bậc hai, phương trình, hệ phương trình, hệ thức Vi-et, đồ thị hàm số bậc hai, bất đẳng thức, các bài toán thực tế về lãi suất, diện tích và các chuyên đề về hình học.

Cấu trúc đề thi môn Toán của các năm về cơ bản giống nhau đến 90%. Do đó, một trong những kinh nghiệm ôn thi môn Toán hiệu quả là ưu tiên luyện đề thi của các năm trước. Khi giải đề năm trước, các bạn học sinh không nên chỉ tập trung vào kiến thức mà còn cần tập cách canh thời gian làm bài.

Sau một quá trình luyện đề đều đặn, học sinh sẽ hình thành được những thói quen làm bài khoa học và hiệu quả. Cụ thể, các em sẽ biết trình bày câu trả lời một cách logic, phân bổ thời gian làm bài hợp lý, trình tự trả lời câu hỏi dễ trước – khó sau, luôn kiểm tra lại bài giải để tránh những lỗi sai không đáng có. Như vậy, khi bước vào kỳ thi chính thức các em sẽ luôn giữ được cho mình tâm lý thoải mái và tự tin.

4. Học hỏi, tìm tòi cách giải đề từ nhiều nguồn khác nhau

Một kinh nghiệm ôn thi môn Toán hay là học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh việc tự học, các em có thể luyện tập giải đề cùng bạn bè, hỏi thêm từ thầy cô các phương pháp giải bài khác nhau, tham khảo cách làm bài từ các sách luyện thi uy tín hoặc đăng ký các khóa học online trên mạng internet.

Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều nguồn sẽ giúp các em học sinh vững bước hơn trên hành trình ôn thi. Nhờ phương pháp này, các em sẽ có cho mình những “bí kíp” giải đề quý giá, giúp tiết kiệm thời gian tối đa thời gian làm bài và góp phần rèn luyện tư duy xử lý đa chiều đối với mỗi dạng toán.

5. Làm quen với quy tắc làm bài thi Toán ngay khi luyện đề

Việc học kiến thức và ghi nhớ quy tắc làm bài thi Toán sẽ giúp các em đạt được số điểm tối đa như kỳ vọng. Một số quy tắc quan trọng các em cần lưu ý như sau:

  • Làm triệt để câu dễ trước rồi mới giải quyết câu khó
  • Ghi nháp công thức sẽ áp dụng trong bài làm trong giấy nháp hoặc nháp đơn giản lên đề
  • Kiểm tra lại và soi chiếu đáp án xem đã khớp với điều kiện của câu hỏi chưa

Ngay từ giai đoạn luyện đề tại nhà, các em nên bấm giờ để căn chỉnh thời lượng làm bài hợp lý cho từng câu và áp dụng ngay những quy tắc làm bài thi Toán nêu trên để hình thành thói quen, phản xạ cho bản thân. Cách rèn luyện này sẽ giúp các em làm bài thuận lợi và có kết quả khả quan trong kỳ thi sắp tới.


by

Tags: